Trên bàn thờ ngày giỗ nhất định cần có những lễ vật này

Hằng năm, cứ vào ngày mất của người thân, gia đình thường làm mâm cơm cúng để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Tuy nhiên, việc cần chuẩn bị những lễ vật bày trí trên bàn thờ ngày giỗ như thế nào không phải ai cũng nắm được? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tục lệ cúng kiến ngày giỗ.

Ý nghĩa tục lệ cúng giỗ người Việt 

Phong tục cúng giỗ là nghi lễ cổ truyền đã có từ rất lâu đời trong văn hóa người Việt. Con cháu ghi nhớ những ngày cúng giỗ tổ tiên, ông bà để tưởng nhớ và làm tròn bổn phận với những người đã mất. Có 3 ngày giỗ chính theo phong tục thờ cúng.

Giỗ đầu ( Tiểu Cường – Giáp năm ) được tính từ ngày mất theo âm lịch tròn 12 tháng. Trong trường hợp năm nhuận, giả sử người mất 1.4.2020 tháng nhuận, ngày giỗ đầu sẽ tính đủ 12 tháng rơi vào 1.3.202. Giỗ đầu vẫn còn không khí tang thương, người thân vẫn còn tâm trạng đau khổ chưa nguôi ngoai, mong nhớ, tiếc thương đến người mất.

Giỗ hết (Đại Cường) được thực hiện sau hai năm ngày mất, vẫn nằm trong thời kỳ để tang. Giỗ hết là ngày giỗ trọng đại được cử hành nghiêm trang, thành kính. Sau giỗ hết ba tháng, gia đình có thể xả tang kết thúc thời kỳ để tang cho người đã khuất  

Giỗ thường –  Cát Kỵ tưởng niệm đến người đã mất được tính từ năm thứ 3 trở đi. Bầu không khí không còn bi ai, đau buồn như giỗ đầu và giỗ hết, giỗ thường mang màu sắc ấm cúng, không khí vui vẻ hơn. Tổ chức giỗ thường cũng là dịp mọi người trong gia đình trở về gặp mặt, đoàn tụ bên nhau, cùng tham dự mâm cơm ngày giỗ giúp gia tăng tình cảm, anh em thuận hòa, gia đình hạnh phúc. 

Ngày giỗ cũng là dịp anh em, họ hàng gặp mặt đoàn tụ bên nhau

Bàn thờ ngày giỗ nên bày những gì?

Mâm cỗ mặn

Mâm cỗ mặn thể hiện ý nghĩa tâm linh “trần sao âm vậy” không cần quá cầu kỳ, phụ thuộc vào tấm lòng và điều kiện kinh tế của người sắm lễ. Mâm cỗ mặn càng đơn giản truyền thống mang lại nét ẩm thực quê hương.

Mâm cơm thường có 4 món theo 4 cách: luộc, xào, kho(nướng) và hầm( món nước). Thường sẽ phân ra 2 món mặn, 1 món nhạt, 1 món canh (cháo, súp), 1 đĩa xôi (cơm). Tùy thuộc vào từng vùng, miền mà thực đơn trên mâm cỗ mặn sẽ khác nhau. 

Mâm cơm ngày giỗ không thể thiếu bát cơm. Nhưng cần có mấy bát cơm trên bàn thờ ngày giỗ thì còn tùy thuộc vào phong tục mỗi nơi. Có nơi cần 5 bát đầy, có nơi thì xới cơm ra tô hoặc đĩa 

Một số món gợi ý trong mâm cơm mặn:

  • Giò, chả, nem chua, nem rán.
  • Gà luộc, Thịt heo quay, Thịt heo luộc, Thịt kho tàu
  • Rau củ xào, Gỏi trộn, Bún trộn
  • Canh rau củ, Canh hầm, Súp, Cháo
  • Cơm, Xôi, Bánh chưng
Mâm cỗ mặn đầy đủ ý vị trên bàn thờ ngày giỗ

Mâm cỗ ngọt

Mâm cỗ ngọt hay còn gọi là mâm cỗ chay. Gia đình sửa soạn cúng chay cầu mong người thân đã mất hồi hướng phước lành, dễ siêu thoát. Bên cạnh đó, việc cúng chay giúp cho người sống tìm đến thanh tịnh, giảm bớt sát sanh, tích phước cho bản thân và gia đình. 

Thực đơn mâm cỗ chay  gia đình có thể tham khảo:

  • Khai vị: Nem chả chay, chả giò chay
  • Món rau: Bún xào rau củ chay, gỏi hoa chuối bóp chua chay, rau củ luộc
  • Món chính: Nấm đùi gà kho tiêu, gà chay cuộn nấm, sườn non chay, mít non kho
  • Món canh: Canh nấm hạt sen, canh chân nấm táo đỏ
  • Tráng miệng: Xôi, chè trôi nước, bánh bò, bánh da lợn, trái cây
Mâm cỗ chay hấp dẫn bắt mắt trong ngày giỗ

Đồ giấy cúng

Khi sang thế giới bên kia, người mất cũng cần những vật dụng cơ bản để có thể giúp cuộc sống thoải mái, tốt đẹp hơn. Mỗi khi giỗ, lễ, tết,..gia đình thường đốt giấy tiền, vàng mã với niềm tin người thân đã khuất sẽ được thụ hưởng, sử dụng để sinh hoạt trong thế giới người âm. Việc hóa vàng thể hiện sự quan tâm, tưởng nhớ, biết ơn của người sống với người đã khuất.

Một bộ giấy cúng cơ bản cho ông (bà) trong ngày giỗ gồm có: 

  • Áo hộp gấm hoặc áo sơ mi/ bà ba
  • 5 loại tiền ( tiền trắng, tiền vàng, thanh y, vãng sanh, thiên khối)
  • 1 cục tiền Việt, 1 cục euro, 1 cục  đô mỹ
  • 1 xấp áo binh
  • 1 xấp vàng bạc
  • 1 bao thỏi vàng
  • 1 xấp ngũ sắc
  • 1 cặp đèn cầy
  • 1 hộp nữ trang
  • Rượu, trầu cau, trà

Sau nghi thức cúng sẽ đến giai đoạn hóa vàng, có nghĩa đốt giấy tiền hàng mã trong một chiếc xô hoặc chậu nhôm, sắt và sử dụng que dài chuyên dùng để thực hiện nghi thức hóa vàng. Chậu nhôm nên có thành cao, che chắn gió để giấy cúng dễ bắt lửa và tàn tro không bị gió thổi vương khắp nơi.

Nghi thức hóa vàng gửi lễ vật cho người đã mất

Một số lưu ý trong khi đốt giấy tiền vàng mã:

  • Lựa chọn nơi thực hiện nghi thức hóa vàng thông thoáng, không gần những phương tiện bắt lửa, dễ cháy, không đốt ở những nơi đông người qua lại
  • Giấy tiền hàng mã cần được đốt hết, tránh để cháy dở hoặc cháy một phần. Vì theo tâm linh, tiền vàng chưa được đốt hết chỉ có thể gửi được một phần sang bên kia, nên người đã mất sẽ không sử dụng được. 
  • Nghi thức hóa vàng kết thúc, gia đình nên cẩn thận xử lý tàn tro, chờ khi giấy vàng cháy hết mới dùng nước vẩy lên, tránh trường hợp gió thổi tàn tro còn lửa bay lung tung dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn.

Hoa, trái cây

Hoa mang đến hương thơm đất trời, tạo nên không khí thơm mát trên bàn thờ ngày giỗ. Vì vậy, bó hoa cúng không thể thiếu trong lễ vật sắm ngày giỗ. Một bình hoa đẹp giúp bàn thờ tô thêm vẻ trang nghiêm, sang trọng. Theo quy luật đông bình, tây quả vì vậy bình hoa sẽ được đặt bên tay phải( từ ngoài bàn thờ nhìn vào). Ngoài ra, hoa tượng trưng cho nhân, nhắc cho người còn sống nhớ cần phải tu nhân, tích đức.

Trái cây mang hàm ý chỉ về quy luật nhân quả. Thờ cúng trái cây hướng đến cuộc sống tích phước, tạo nên những nhân thiện lành sẽ hái được quả ngọt. Những loại trái cây nên lựa những trái tươi đẹp, không bầm dập hư héo, không chọn loại quả gai nhọn. Thường mâm quả ngày giỗ sẽ lựa chọn 5 loại với màu sắc tươi sáng bắt mắt. Trái cây sẽ được đặt trên mâm bồng hoặc đĩa đặt bên trái theo quy tắc từ ngoài bàn thờ nhìn vào. 

Tuyệt đối không dùng hoa, quả giả để bày trí trên bàn thờ ngày giỗ, đây là việc đại kỵ thể hiện lòng bất kính         

Mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Những nguyên tắc cúng kiến trong ngày giỗ

Sau khi mua sắm các lễ vật trong ngày giỗ, gia chủ cũng cần quan tâm đến các nguyên tắc bày trí lễ vật lên bàn thờ ngày giỗ hay nghi thức trong khi thực hiện cúng giỗ:

  • Chén đũa thờ cần được chuẩn bị riêng không sử dụng chung với chén đũa thường ngày. 
  • Khi nấu cỗ, gia chủ không được nếm thức ăn, thể hiện sự bất kính với người mất
  • Nếu gia đình chuẩn bị cả đồ chay và đồ mặn thì không được để lẫn lộn vào nhau. Đồ chay để bên trên đồ mặn để phía dưới kệ hoặc đặt trên bàn nhỏ
  • Khi dọn đồ cúng tuyệt đối không được xê dịch bát hương.
  • Không để dao kéo hay những vật sắc nhọn tạo sát khí trên bàn cúng
  • Cần chuẩn bị văn khấn bày tỏ tấm lòng thành kính cầu mong những người đã khuất phù hộ độ trì giúp gia đình hòa thuận êm ấm, có nhiều sức khoẻ. Khi đọc văn khấn cần nói rõ những thông tin họ tên người khấn, thời gian, nơi ở, người được cúng, lời cầu xin, lời hứa,…

Bài viết đã giải đáp băn khoăn bàn thờ ngày giỗ nên bày trí những lễ vật gì? Những thông tin hữu ích giúp gia đình có thể chủ động hơn trong việc mua sắm chuẩn bị cho ngày giỗ. Ngoài ra, gia chủ cần chú ý thêm trong việc sắp xếp, bày trí lễ vật trên bàn thờ để tăng sự trang nghiêm, long trọng trong nghi thức thờ cúng.

Xem thêm:

Hướng dẫn trang trí bàn thờ ngày Tết 3 miền và những kiêng kỵ cần tránh

Cách trang trí bàn thờ gia tiên đơn giản mà vẫn hợp phong thủy

Bàn thờ gia tiên có mấy bát hương là phù hợp nhất?

Bạn đang xem nội dung trên website: https://gokinhbac.com