Hiện nay, gỗ tự nhiên được xem là một trong những loại vật liệu quý, được nhiều người tin tưởng dùng cho thi công nội thất, các công trình công cộng và đồ thủ công mỹ nghệ. Vậy gỗ tự nhiên là gì? Đặc tính của nó ra sao? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!
Xem Nhanh
Gỗ tự nhiên là gì?
Gỗ tự nhiên là loại gỗ được trồng trong các khu rừng tự nhiên hay rừng nguyên sinh để lấy gỗ, lấy nhựa, tinh dầu hoặc lấy quả. Từ rất lâu, con người đã biết sử dụng gỗ tự nhiên để làm vật liệu trang trí nội, ngoại thất. Bởi độ bền, đẹp, chất lượng tốt mà loại gỗ này rất được ưa chuộng
Đặc tính của gỗ tự nhiên
Các đặc tính chủ yếu của gỗ tự nhiên:
– Độ bền cao: kết cấu bên trong bề mặt gỗ liên kết chặt chẽ tạo nên độ bền và dẻo dai cao, khả năng chịu lực va đập tốt.
– Tính giãn nở: là đặc trưng nổi bật của gỗ tự nhiên.Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, tính chất, kết cấu từng loại gỗ mà độ giãn nở sẽ khác nhau. Chính vì vậy, việc vận dụng các phương pháp tạo khe hở trong thiết kế nội thất sẽ giúp cho độ bền của gỗ tốt hơn.
– Màu sắc đa dạng, đường vân phong phú: tùy thuộc vào môi trường sinh trưởng và phát triển, mỗi loại gỗ tự nhiên sẽ có màu sắc và đường vân riêng biệt.
Ưu và nhược điểm của gỗ tự nhiên
Ưu điểm
- Độ bền tốt: gỗ tự nhiên có kết cấu chặt chẽ nên khả năng chịu lực va đập tốt, không bị ăn mòn, hỏng do môi trường ẩm ướt.
- Độ chắc chắn cao, dẻo dai: quá trình xử lý, tạo hình gỗ bằng cách cắt, xẻ, tẩm, sấy,… để làm đồ nội thất tạo nên độ chịu lực tốt.
- Chịu nước tốt: việc chế tác, sơn bả, tẩm sấy kĩ lưỡng tạo độ liên kết chặt chẽ bên trong gỗ, làm cho gỗ không bị giãn nở và thấm nước.
- Dễ tạo hình, tạo khối: gỗ tự nhiên rất chắc chắn, dẻo dai nên dễ tạo hình. Rất nhiều sản phẩm nội thất được tạo hình đa dạng, đẹp mắt, có tính ứng dụng cao.
- Đa dạng về màu sắc và vân gỗ: mỗi loại gỗ có nét đặc trưng riêng về màu và vân gỗ, giúp việc chế tác các sản phẩm từ gỗ trở nên phong phú, bắt mắt, mang giá trị thẩm mỹ cao.
Nhược điểm
- Giá thành khá cao: Đa phần gỗ tự nhiên được sản xuất thủ công, chất lượng gỗ tốt hơn gỗ công nghiệp nên các sản phẩm làm từ gỗ tự nhiên giá thành khá cao. Đặc biệt, với tình trạng khai thác rừng bừa bãi như hiện nay, sự khan hiếm của gỗ tự nhiên cũng dẫn đến tăng giá cho các mặt hàng được chế biến.
- Dễ bị cong vênh, co ngót: do việc thay đổi thời tiết hay việc chế tác không chuyên nghiệp có thể làm cho các sản phẩm từ gỗ tự nhiên co ngót, nứt nẻ. Để khắc phục điều này, các thợ thủ công cần tẩm sấy kỹ trước khi sản xuất.
- Dễ bị mối mọt đục khoét: một số sản phẩm làm bằng gỗ tự nhiên có thể trở thành mồi cho mối mọt ăn mòn, nếu không đảm bảo chất lượng.
Một số loại gỗ tự nhiên phổ biến hiện nay
1. Gỗ Lim
1.1. Đặc điểm của gỗ lim
Gỗ lim là loại cây lấy gỗ thuộc dòng lim, mọc thẳng, khá giống với cây xoan đào. Gỗ có màu vàng nâu, lúc già chuyển sang màu vàng đen, cứng cáp, lá cây màu xanh lục. Chiều cao trung bình của một cây gỗ lim khoảng 20 – 30m.
Gỗ lim được phân vào nhóm 2 trong các loại gỗ ở Việt Nam, thuộc một trong những dòng gỗ quý hiếm với độ chắc chắn cao, chịu lực tốt.
Có nhiều loại gỗ lim như: lim xanh, lim Lào, lim Nam Phi, lim xẹt (lim vang), lim ghana,…Trong đó, lim xanh- tên khoa học là Erythrophleum Fordii, là loại gỗ nổi bật ở Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng bốn loại gỗ thuộc nhóm tứ thiết: đinh, lim, sến, táu.
Cây gỗ lim ưa những nơi có ánh sáng, không chịu được ẩm nên lúc chế tác cần xử lý chống ẩm tốt. Gỗ có khả năng tái sinh tốt, nhưng phát triển khá chậm. Rất dễ bắt gặp gỗ lim được trồng nhiều ở khu vực khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan,.
Vân cây gỗ lim có hình dạng xoắn, thân cây khá nặng và có màu nâu tự nhiên rất đẹp, nếu được ngâm lâu dưới bùn đất thì phần gỗ sẽ chuyển sang màu đen.
1.2. Một số sản phẩm nội thất làm từ gỗ lim
Gỗ lim với độ chắc chắn cao được sử dụng làm đồ nội thất: cột, kèo, xà, cầu thang, cửa…và trong các công trình kiến trúc: cầu cống, đóng tàu, làm ván sàn,…
2. Gỗ sồi
2.1. Đặc điểm của gỗ sồi
Gỗ sồi là loại cây thân gỗ thuộc nhóm số 7 trong danh sách các loại gỗ của Việt Nam. Chiều cao trung bình của một cây gỗ sồi trưởng thành khoảng từ 20 – 25m. Gỗ có màu sắc nhẹ nhàng từ sáng đến tối, đem lại sự lựa chọn đa dạng cho người dùng.
Vân núi và vân sọc là 2 dạng vân chính thường thấy ở gỗ sồi. Màu nâu nhạt kết hợp với màu vàng nhẹ, mặt gỗ bóng nhẵn tạo nên giá trị thẩm mỹ cao cho loại gỗ này. Thân gỗ cứng, chắc, ít bị nứt nẻ, ít bị mối mọt ăn mòn, lực nén tốt.
Tùy vào nguồn gốc hay màu sắc để chia gỗ sồi thành các loại: sồi đỏ, sồi trắng hoặc sồi Nga và sồi Mỹ.
Gỗ sồi giá cả phải chăng nên được sử dụng rộng rãi.
Loại cây thân gỗ này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên được trồng chủ yếu ở châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực có khí hậu ôn đới.
2.2. Một số sản phẩm nội thất làm từ gỗ sồi:
Gỗ sồi được sử dụng đa dạng trong trang trí nội thất như: lát sàn gỗ, tủ bếp, tủ giày,…hay các công trình công cộng, cơ quan, văn phòng.
3. Gỗ xoan
3.1. Đặc điểm của gỗ xoan
Gỗ xoan là gỗ từ cây xoan, xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc và Australia. Đây là loại cây ưa ánh sáng, thuộc nhóm 4 trong bảng xếp hạng gỗ tại Việt Nam.
Cây xoan trưởng thành có chiều cao trung bình 7- 12m, thân ngang rộng 30- 50cm. Thịt gỗ mịn, bền theo thời gian, ít cong vênh và co ngót.
Loại cây này được trồng nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào.
Có rất nhiều loại gỗ xoan, chủ yếu: gỗ xoan đào, xoan ta, xoan tía, sầu đầu, sầu đông. Mỗi loại có màu sắc và đặc tính khác nhau.
3.2. Một số sản phẩm nội thất làm từ gỗ xoan:
Gỗ xoan có độ bền cao nên được ưa chuộng trong thiết kế đồ dùng nội thất nhà ở như: trần nhà, giường, kệ tivi, bàn ghế, tủ,…
4. Gỗ tần bì
4.1. Đặc điểm của gỗ tần bì
Gỗ tần bì là loại gỗ thuộc nhóm 4, họ oliu. Chúng ta sẽ bắt gặp họ cây này thường sống ở các vùng Đông Âu, Bắc Mỹ và một số khu rừng nước Nga.
Thân gỗ tần bì chắc, dát gỗ màu vàng nhạt, vân gỗ có những hình elip đồng tâm, thớ gỗ mịn và đẹp.
Tuỳ theo màu sắc, xuất xứ, gỗ tần bì chia làm nhiều loại: tần bì trắng, tần bì vàng, tần bì xanh, tần bì Mỹ, tần bì châu Âu,…
Gỗ tần bì có khả năng chịu áp lực lớn, độ bám đinh vít tốt, chịu máy tốt nên tuổi thọ sử dụng khá cao.
Giá cả gỗ tần bì tương đối phải chăng, phù hợp với thị trường Việt Nam hiện nay.
4.2. Một số sản phẩm nội thất làm từ gỗ tần bì:
Với mức giá cả phải chăng, gỗ tần bì được sử dụng nhiều không chỉ trong nội thất gia đình như tủ, giường,… mà còn ở các công trình công cộng: trường học, văn phòng,…
5. Gỗ cao su
5.1. Đặc điểm của gỗ cao su
Gỗ cao su là loại gỗ từ cây cao su, thuộc nhóm gỗ 7. Nó có tên gọi khác là Hevea brasiliensis, loại cây thuộc họ đại kích.
Cây gỗ cao su trung bình có chiều cao từ 20- 30m, thớ gỗ dày, dẻo dai, cứng cáp, khả năng chịu lực tốt. Một đặc tính đặc biệt của gỗ cao su là khả năng chống nước tốt, dễ dàng bảo quản.
Vân gỗ cao su có màu kem nhạt, kết cấu gợn sóng, rất đẹp, có thể tạo nên sự đa dạng kiểu cách, mẫu mã trong chế tác. Đây là loại cây được trồng nhiều ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc.
5.2. Một số sản phẩm nội thất làm từ gỗ cao su:
Những năm gần đây, gỗ cao su được sử dụng rộng rãi, mặc dù chất lượng thấp nhưng giá cả hợp lý, nên được nhiều người ưa chuộng. Gỗ cao su được dùng làm bàn ghế, sofa, tủ giày, bàn makeup, ghép thanh,…
6. Gỗ thông
6.1. Đặc điểm của gỗ thông
Gỗ thông là loại gỗ tự nhiên thuộc nhóm 4, lấy từ cây thông thân gỗ lớn, mọc thẳng, phát triển mạnh ở vùng khí hậu ôn đới, núi cao. Ở Việt Nam, loại cây này thường xuất hiện nhiều ở Đà Lạt, Mộc Châu, Hà Giang,…
Chiều cao trung bình của gỗ thông từ 30- 35m, gỗ thớ mịn, màu vàng nghệ, thân gỗ tròn đều.
Gỗ thông khá bền, nhẹ, dễ dàng di chuyển, tuổi thọ cao, giá thành khá rẻ.
Có nhiều loại gỗ thông trên thị trường hiện nay như: gỗ thông trắng, gỗ thông vàng, gỗ thông Đà Lạt, gỗ thông ghép, gỗ thông đỏ, gỗ thông Lào, gỗ thông Newzealand.
6.2. Một số sản phẩm nội thất làm từ gỗ thông:
Với màu sắc nhẹ nhàng, chất lượng gỗ tốt, gỗ thông được dùng nhiều trong thiết kế nhà ở: bàn, tủ, ghế, cửa, pallet,…và trong các nhà hàng, văn phòng, khách sạn,…
7. Gỗ hương
7.1.Đặc điểm của gỗ hương
Gỗ hương ( còn gọi là giáng hương) là loại gỗ tự nhiên nhóm 1, thuộc họ đậu.
Gỗ có màu nâu nhạt hoặc vàng, lúc già có màu đỏ đậm. Vân gỗ đẹp, mịn, gỗ có mùi thơm tự nhiên, dễ chịu, không mối mọt, cong vênh.
Gỗ hương trồng chủ yếu ở Việt Nam, Lào, Campuchia và phân bố ở các nước Nam Phi, Ấn Độ,…Ở Việt Nam, loại gỗ này tập trung nhiều ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Tây Ninh,…
Một số loại gỗ hương phổ biến: gỗ hương đỏ, gỗ hương đá, gỗ hương Lào, gỗ hương vân, gỗ nu hương, gỗ hương xám, gỗ hương huyết, gỗ hương Nam Phi,…
7.2. Một số sản phẩm nội thất làm từ gỗ hương:
Do chất lượng và độ bền cao nên gỗ hương được nhiều người Việt Nam ưa chuộng, sử dụng phổ biến trong trang trí nội thất gia đình: bàn ghế, sập ngồi, tủ, kệ tivi, tượng phật,…và nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin liên quan đến gỗ tự nhiên mà bạn cần biết. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những điều hữu ích giúp bạn hiểu được gỗ tự nhiên là gì? ưu và nhược điểm của gỗ tự nhiên, cũng như một số loại gỗ tự nhiên phổ biến hiện nay. Từ đó, bạn sẽ có thể chọn lựa cho mình những món đồ nội thất phù hợp.
Các bạn hãy theo dõi website https://gokinhbac.com của chúng tôi để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích nhé!
Xem thêm