Gỗ tràm có những loại nào? Gỗ tràm có tốt không?

Gỗ tràm là loại gỗ khá phổ biến tuy nhiên không ít người vẫn thường e ngại khi lựa chọn các sản phẩm nội thất từ loại gỗ này. Cùng đọc bài viết sau đây để biết rõ hơn về gỗ tràm cũng như các ứng dụng của gỗ trong nội thất để có được sự lựa chọn đúng đắn nhé!

Cây gỗ tràm và sản phẩm ván lót sàn gỗ tràm

Gỗ tràm và những thông tin chung cần biết 

1 Gỗ tràm là gỗ gì?

Gỗ tràm là một loại gỗ phổ thông ở Việt Nam, được thu hoạch từ cây tràm 5-10 năm tuổi. Cây trưởng thành có thể cao đến 25m, đường kính thân gỗ từ 50-60cm. Cây tràm được gọi tên khoa học là Melaleuca leucadendron L, thuộc họ Sim Myrtaceae. Ngoài ra, ở mỗi địa phương, cây gỗ tràm còn được gọi là: cây chè cay, cây chè đồng, cây khuynh diệp, cây bạch thiên tầng, cây keo tràm hay keo lá tràm tùy vào mỗi vùng miền.

Thân cây tròn, màu nâu đen, có lớp vỏ dày. Tán cây thấp, nhiều cành nhánh. Hoa tràm có nhiều màu tùy thuộc vào loại cây gỗ tràm như vàng, đỏ, trắng… Quả thường xoắn lại, có hình hạt đậu, hạt thường nằm ngang, nhỏ và đẹp. 

Loại gỗ này là loại gỗ rất phổ biến và thông dụng ở Việt Nam, thường được dùng để làm bàn ghế, giường, kệ, tủ các loại. 

Cây gỗ tràm là loại cây ưa sáng, ưa nắng, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nắng nóng khắc nghiệt, vì vậy cây gỗ tràm phân bố chủ yếu ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Lào, Campuchia,… Ở nước ta, cây gỗ tràm được trồng rải rác khắp nơi, nhưng thường tập trung ở các tỉnh có khí hậu khá khắc nghiệt như Tây Nguyên, Trung Bộ và Nam Bộ. Vì thời tiết và khí hậu mỗi vùng khác nhau, nên cũng có nhiều loại cây gỗ tràm khác nhau.

Hình ảnh lá, hoa và quả cây tràm

2 Gỗ tràm được xếp vào nhóm mấy?

Gỗ tràm là loại gỗ được xếp vào nhóm IV (Bảng phân loại các nhóm gỗ của Việt Nam). 

Gỗ nhóm IV là nhóm gỗ có tỷ trọng trung bình, thớ gỗ mịn, tương đối bền, khó cong vênh, dễ khai thác, gia công chế biến. Nhóm IV được ứng dụng nhiều trong nội thất – xây dựng do giá thành và tính phổ biến. Hiện nay, trong bảng phân loại nhóm gỗ IV có khoảng 34 loại gỗ tự nhiên.

Gỗ tràm có tốc độ sinh trưởng nhanh, độ thích nghi rộng đồng thời có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, gỗ tràm được trồng và khai thác vào nhiều mục đích khác nhau như khai thác gỗ, làm bột giấy, tinh dầu, chống xói mòn, hạn hán…

3 Ưu điểm của gỗ tràm

3.1 Về việc trồng và chăm sóc: 

Cây gỗ tràm là một loại cây thích ứng tốt với tất cả loại đất trồng, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Cây giống dễ ươm trồng, chỉ cần chăm sóc 1 lần khi trồng, sau đó mỗi năm dọn cỏ từ 1-2 lần. Trồng cây gỗ tràm tốn rất ít công chăm sóc nhưng lại cho năng suất cao. 1 ha rừng 7 năm tuổi có thể cho ra 120 tấn gỗ tràm thương phẩm. 

3.2 Về giá thành gỗ: 

Gỗ tràm là loại gỗ thân cao trung bình, tròn và hơi thẳng. Thời gian thu hoạch gỗ ngắn hạn chỉ từ 5-10 năm đã cho ra cây gỗ cao tầm 10-25m; đường kính gỗ 50-80cm. Vì vậy, so với các loại gỗ dài hạn, quý hiếm khác, gỗ tràm luôn có giá thành rẻ hơn.

3.3 Về chất lượng gỗ: 

Chất lượng gỗ tốt, nhẹ, chịu lực rất tốt và bền. Vì là gỗ tự nhiên, nên gỗ tràm chắc chắn tốt hơn các loại gỗ công nghiệp khi sử dụng trong thời gian dài. Nếu có điều kiện kinh tế, bạn hãy cân nhắc các sản phẩm từ gỗ tự nhiên như gỗ tràm nhé.

3.4 Về kinh tế và môi trường: 

Trong những năm gần đây, nhà nước luôn khuyến khích người dân phủ trống đồi trọc, để góp phần phòng chống các thiên tai hằng năm như hạn hán và lũ lụt. Cây gỗ tràm là lựa chọn hàng đầu vì khả năng thích nghi với môi trường tốt, lại có thời gian thu hoạch ngắn. Cây gỗ tràm vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

Các loại gỗ tràm phổ biến hiện nay?

Gỗ tràm ở nước ta có rất nhiều loại với một vài đặc điểm khác nhau về màu sắc hoa, màu sắc vân gỗ, thân gỗ hay kiểu hình của cây. Gỗ tràm có các loại như tràm bông vàng, tràm gió, tràm cừ, tràm đất,… Ngoài ra, gỗ còn được phân chia theo vùng địa lý xuất xứ của loại gỗ đó.

1 Gỗ tràm bông vàng

Tràm bông vàng hay còn được gọi là keo lá tràm với tên khoa học là Acacia auriculiformis là một loài cây thuộc chi Keo (Acacia). 

Cây gỗ tràm mới được du nhập vào nước ta vào những năm 1960-1970, sau này được người ta sử dụng rộng rãi tên gọi tràm bông vàng. Tràm bông vàng được phân bố tự nhiên ở những vùng có xích đạo chạy ngang qua như quần đảo Indonesia và Papua New Guinea. Hiện tại được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Nguyên nhân, tràm bông vàng là loài thực vật ưa sống ở nơi có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, với khả năng chịu hạn tốt. Nhiệt độ trung bình cho cây phát triển là 24 độ trở lên, với lượng mưa trung bình từ 2.000-5.000mmm hàng năm. Cây mọc tốt trên đất có độ dày trung bình, có khả năng thoát nước khá tốt, độ pH gần trung tính, hơi chua tầm 3.5-5.5. 

Dù khả năng che chắn đất trống không cao bằng các loại cây gỗ khác. Nhưng do khả năng sinh trưởng của gỗ tràm bông vàng khá nhanh chóng và thích nghi rộng với mọi loại đất trồng, nên tràm bông vàng nhanh chóng trở thành loài cây được trồng phủ xanh đất trống đồi trọc và cho nguyên liệu bột giấy cho người dân làm lâm nghiệp.

Hình ảnh cây tràm bông vàng

2 Gỗ tràm gió

Tràm gió thuộc loài cây gỗ nhỏ, chiều cao trung bình đến 7m. Cây tràm gió lâu năm có thể cao đến 35m. Vỏ cây tràm gió có màu xám, nâu, hoặc trắng tạo thành nhiều lớp mỏng. Ban đầu vỏ cây bóng mượt, trắng và xốp. Sau khi trưởng thành, vỏ cây đen cứng lại và tạo thành nhiều lớp sần sùi . Lá cây có phiến thon dài, độ dài từ 7–8 cm, rộng 2cm, trơn nhẵn, ít gân. 

Hoa có nhiều màu sắc đẹp mắt như màu trắng, màu kem hoặc màu xanh lục vàng, Hoa thường nở ở ngọn cành cây, nhánh cây và phát triển ngược ra phía sau. Hoa mọc thành từng cụm dài từ 8 đến 20 chùm hoa, mỗi chùm có ba hoa như hình trụ. Hoa ra theo mùa phụ thuộc vào vùng địa lý. Quả nang nhỏ nằm trong đài. 

Đây là loại tràm dùng để chiết xuất ra tinh dầu tràm dùng để giảm đau, chữa thấp khớp, tránh gió, cảm cúm. Đây cũng là nguyên liệu trong dược mỹ phẩm vì có tính sát khuẩn, kháng viêm, trị mụn,…

Cây tràm gió được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc Trung Bộ như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình,…

Hình ảnh cây tràm gió sản xuất tinh dầu lá tràm

3 Gỗ tràm cừ

Cây tràm cừ thường mọc ở các vùng đất phèn ngập nước, các vùng có độ mặn cao, độ Ph 3,5 – 6  như rừng ngập mặn. Thời gian sinh trưởng của gỗ tràm cừ ngắn hơn các loại gỗ tràm khác, chỉ từ 3-4 năm là có thể thu hoạch gỗ. Thân cây tràm cừ thường thẳng, có nhiều nhánh phụ và rất dẻo dai. Độ cao trung bình của cây mỗi năm có thể đạt tối đa từ 3 đến 4 mét, đường kính có thể đạt từ 6 đến 12 cm. Lá cây tràm cừ có hình bầu dục, màu xanh, có chiều dài tầm 1 cm và rộng 6cm khi cây đạt mức trưởng thành.

Vì cây tràm cừ thường sinh sống ở các cửa sông, cửa biên, vùng ngập mặn, nhiễm phèn nên quả tràm nước có nhiều hạt nhỏ và nhẹ hơn so với các loại cùng họ để dễ phát tán và sinh trưởng hơn trong môi trường đặc biệt.

Từ bao đời nay, cây tràm cừ thường được dùng làm cọc cừ tràm trong xây dựng để gia cố nền đất trên diện rộng. Cây tràm cừ là vật liệu xây dựng từ xa xưa ở vùng đất phương nam, gỗ cây tràm cừ giúp tăng sức chịu tải của nền đất lên đến hàng trăm năm. Cây tràm cừ có thể sử dụng để xây dựng các công trình thủy lợi như đập ngăn nước, xây dựng cầu, kênh. Lá cây tràm cừ còn có thể chiết xuất được tinh dầu tràm dùng làm dược mỹ phẩm.

Một số địa phương trồng cây tràm cừ với diện tích lớn có thể kể đến như: vùng Đồng Tháp Mười, bao gồm các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Cánh rừng tràm cừ chống xâm lấn ngập mặn

4 Gỗ tràm đất

Cây tràm đất có tên gọi khác là cây tràm bầu, cây trắc trung. Được phát hiện ở các vùng ven biển Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Khánh hòa…

Gỗ tràm đất là loại gỗ quý đã được đưa vào sách đỏ và cấm khai thác. Vì vậy, thông tin về loại gỗ này rất nhỏ giọt.

Một số thông tin chúng tôi thu thập được như: Tràm đất là loài cây gỗ nhỏ, thấp và có gai. Cây tràm đất có lá khá mảnh, dài và rụng lá theo mùa. Qủa xoăn dài, cây cho quả vào tháng 7-9 hằng năm.

Cây tràm đất thân gỗ lâu năm có màu vàng óng rất đẹp và không bị mối mọt cắn phá nên rất thích hợp làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất.

Gỗ tràm có tốt không? 

Có rất nhiều vị khách hàng khi được tư vấn tìm hiểu nội thất gỗ từ gỗ tràm thường thắc mắc rằng gỗ tràm có tốt không? Và đồ gỗ từ gỗ tràm liệu có bền đẹp hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm để có câu trả lời chính xác các bạn nhé!

  • Độ bền: Gỗ tràm có độ bền khá tốt, tuổi thọ gỗ ở mức khá. Phù hợp cho nhiều sản phẩm và công trình nhà ở, Bên cạnh đó, gỗ tràm còn có tinh dầu có khả năng chống mối mọt tự nhiên.
  • Tính thẩm mỹ: Màu gỗ sáng ấm, sang trọng, mùi tinh dầu gỗ tạo sự thư thái, an toàn khi sử dụng các sản phẩm từ gỗ tràm lâu dài.
  • Giá thành: Gỗ tràm dễ trồng, dễ khai thác trong một thời gian ngắn nên giá cả trên thị trường khá rẻ. Đây là lựa chọn phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ hiện nay. 

Từ các tiêu chí trên, bạn có thể nhận ra gỗ tràm thực sự tốt như các loại gỗ quý khác. Vì vậy, sử dụng gỗ ngắn ngày như gỗ tràm cũng là một cách để bảo vệ các loại gỗ quý khác có nguy cơ tuyệt chủng.

Hình ảnh vân gỗ tràm bông vàng

Các mẫu nội thất đẹp được làm từ gỗ tràm 

Cây gỗ tràm rất phổ biến trong cuộc sống của người dân Việt Nam từ việc dùng cây khai thác sớm để làm giàn giáo cốp pha, pallet đóng hàng, dùng hoa nuôi ong lấy mật, làm bột gỗ,…đến các cây gỗ tràm lâu năm để khai thác gỗ tràm. Đặc biệt, các sản phẩm nội thất được sản xuất từ gỗ tràm không thua kém gì các loại gỗ quý khác. Một số sản phẩm nội thất tiêu biểu có thể kể đến như:

1 Sàn gỗ tràm: 

Vì sao gỗ tràm được chọn để làm lót sàn? 

Thứ nhất, vì gỗ tràm có chứa tinh dầu, có thể chống mối mọt, ẩm mốc lại chịu lực tốt, khó cong vênh. Thứ hai, vì giá thành dao động khoảng 500.000vnd/m2 gỗ lót sàn. Thứ ba, vì màu sắc trang nhã, dễ nhìn, có thể xếp thành các dạng vuông hay xếp chéo đẹp mắt. 

Sàn gỗ tràm bền đẹp, kháng khuẩn, chống mối mọt

2 Nội thất từ gỗ tràm: 

Một số nội thất phổ biến dễ bắt gặp tại các gia đình như nội thất phòng khách gồm bàn ghế phòng khách, vật phẩm trưng bày; nội thất phòng ngủ như: giường, tủ; nội thất phòng ăn như kệ tủ, bàn ghế ăn,…

Nội thất phòng ngủ từ gỗ tràm bông vàng

Các sản phẩm này đều có đặc tính chung là chống côn trùng, mùi thơm tinh dầu thoang thoảng, màu sắc thân thiện và giá thành hợp lý. Vì vậy, các sản phẩm nội thất từ gỗ tràm rất đắt hàng, đặc biệt các gia đình trẻ.

Nội thất phòng bếp từ gỗ tràm

Kết luận

Như vậy, có thể tổng kết lại gỗ tràm là loại gỗ có độ bền rất tốt, giá thành rẻ, chất lượng tương đối ổn định. Sở hữu các đặc tính không thua kém bất kỳ loại gỗ quý khác như mùi thơm tinh dầu, khả năng chống côn trùng, gỗ tràm vừa đóng góp vào nền kinh tế vừa giúp cải tạo môi trường bền vững. Vì vậy, nếu có như cầu mua sắm nội thất, hãy đưa các sản phẩm nội thất được sản xuất từ gỗ tràm, gỗ tràm bông vàng vào danh sách các bạn nhé!

Các bạn hãy theo dõi website https://gokinhbac.com của chúng tôi để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích nhé!

Xem thêm: